Doanh nghiệp đau đầu tìm cách giữ chân người lao động sau Tết

29/01/2023 09:30

Tình trạng nhảy việc, nghỉ việc, chuyển công ty ngay sau Tết Nguyên đán của người lao động sau Tết đang khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu tìm cách khắc phục.

Empty

Doanh nghiệp cần lưu ý xây dựng chính sách thu hút, giữ chân người lao động và tái cấu trúc để phát triển bền vững. Ảnh: Thành Vân

Chán là nhảy việc

Những ngày gần đây, Phạm Phương Anh (nhân viên của một công ty công nghệ trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM) thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ Tết dài ngày bên gia đình. Phương Anh cho biết, bản thân đã làm đơn xin nghỉ việc ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

"Tôi đã hoàn thành và bàn giao tất cả các công việc ngay trước khi nghỉ Tết. Tôi gắn bó ở công ty này đã 3 năm và giờ là lúc phải thay đổi. Tôi muốn đi tìm một trải nghiệm mới", Phương Anh nói.

Tương tự, Trần Ngọc Bách (1994, nhân viên một công ty truyền thông, quảng cáo trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) lựa chọn thời điểm sau Tết Nguyên đán để thay đổi công việc.

"Tôi dự kiến thay đổi công việc tại thời điểm này. Giờ là lúc phù hợp để có một khởi đầu mới. Tôi sẽ đi học tiếp và chuyển hướng sang làm tự do để tích lũy thêm cả kiến thức lẫn tài sản", Bách cho biết.

Bách cho hay, mức lương ở công ty cũ của anh khoảng 10 triệu đồng sau hơn 2 năm gắn bó với công ty. Theo Bách, mức lương này không tương xứng với công sức và trình độ chuyên môn của anh. Sau khi nghỉ việc, Bách dự định rút bảo hiểm thất nghiệp để trang trải trong khoảng thời gian tiếp theo.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi đầu tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dự báo về tình hình thị trường lao động năm 2023, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, đặc trưng của thị trường lao động là trong quý 1, quý 2 thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350.000 - 400.000 lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.

Khó giữ chân lao động sau Tết

Nhiều lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhìn nhận rằng, tình trạng nhảy việc sau Tết Nguyên đán là quyền của người lao động. Có nhiều lý do để dẫn đến tình trạng này như lương bổng, đãi ngộ, môi trường làm việc, định hướng công việc…

Ông Phạm Xuân Hồng, Quản lý nhân sự của công ty TNHH Dân Thái cho biết, lương bổng và môi trường làm việc là 2 lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng nhảy việc của lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359.200 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88% so với năm trước.

Có 409.300 người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%, giảm 0,83  % so với năm 2021.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,70%, giảm 2,13% so với cùng kỳ năm trước.

"Tình trạng người lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết không phải tới bây giờ mới diễn ra mà hầu như năm nào cũng vậy. Một khi họ cảm giác không gắn bó được với công ty nữa thì họ ra đi thôi".

Ông Hồng cho rằng, yếu tố lớn nhất dẫn đến quyết định nghỉ việc, nhảy việc của người lao động là lương bổng. "Lương không tương xứng với công sức lao động thì ai muốn gắn bó?", ông nói.

Tiếp đến là môi trường làm việc. "Rất nhiều lao động trẻ hiện nay nhảy việc liên tục vì không hòa nhập được với môi trường làm việc, bất chấp khả năng chuyên môn tốt", ông Hồng nhận định.

Ông Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng, việc người lao động chọn thời điểm nghỉ việc ngay sau Tết Nguyên đán là điều dễ hiểu. Bởi, đây là thời điểm mà nhiều công ty đã thanh toán xong lương thưởng Tết, người lao động cũng có đủ thời gian và điều kiện để đi tìm việc mới, môi trường mới. 

"Thực trạng này thường xảy ra ở khối lao động văn phòng, có trình độ chuyên môn nhất định và có khả năng tìm việc mới. Ngoài ra, thế hệ lao động mới thuộc gen Z (từ 1996 - 2014) cũng đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là không thích gắn bó lâu dài ở một nơi", ông Hồng phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quân Nhi, chủ một xưởng đóng sách, giấy ở quận Bình Tân (TP.HCM) cho rằng, dù lãnh đạo tìm mọi cách giữ chân lao động sau Tết nhưng thực tế rất khó.

"Thực tế thì khó có cách giữ chân nếu người lao động đã muốn nghỉ việc, dù ở bất kỳ thời điểm nào. Ở đây tôi muốn nói về chính sách thu hút và giữ chân người lao động của các chủ doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo công ty sẽ giữ phần lương, thưởng đến sau Tết mới thanh toán, nhằm giảm thiểu tình trạng lao động nhảy việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng như thế không phải là cách và cũng không đúng", ông Nhi khẳng định.

Theo ông Nhi, lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung xây dựng chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc lành mạnh để thu hút người lao động, nếu chưa có tài chính để trả lương cao. Về phía người lao động, cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều phương diện gồm tình hình tài chính cá nhân, điểm mạnh, yếu của bản thân…

"Cả hai phía đều cần phải xem xét kỹ lưỡng lại để tránh những rủi ro, hạn chế… khi chưa thực sự sẵn sàng", ông Nhi nói.

Còn Bộ LĐ-TB&XH cam kết sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.

Báo cáo "Khảo sát lương - Kỳ vọng của người lao động năm 2023" được thực hiện bởi Công ty nguồn nhân sự Navigos Group cho thấy, các yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định chuyển việc của người lao động là lương (13,56%), môi trường (11,27%), sự thăng tiến (7,33%) và cơ chế thưởng (6,09%).

Kỳ vọng về mức lương của 4.100 người tham gia khảo sát sau khi nhảy việc cũng được đánh giá là tương đối cao. Phần lớn đáp viên mong muốn thu nhập tại công ty mới tăng 20-30%. Tuy nhiên, 13,66% người được hỏi vẫn sẵn sàng thương lượng nếu cơ hội việc làm mới tốt hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp đau đầu tìm cách giữ chân người lao động sau Tết" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0987.245.378hoặc gửi về địa chỉ email (info.vstarmedia2018@gmail.com).